‘Duyên số ơi, mày là cái khỉ khô gì thế?’ Gia đình và tình yêu
Duyên số đã trở thành một cái cớ cũ mèm nhưng các cô luôn dùng để giải thích, tự an ủi và tự biện hộ cho những hành động dại khờ của mình.
Duyên số đã trở thành một cái cớ cũ mèm nhưng các cô luôn dùng để giải thích,
tự an ủi và tự biện hộ cho những hành động dại khờ của mình
Thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học và kỹ thuật. Không có ai dám phản bác điều này dù có văn hóa cao hay thấp. Thế nhưng thật quá buồn khi nạn cúng bái, xem bói và xin trời phật phù hộ, xem ngày xem tuổi cứ tràn lan, tràn đến cả các cơ quan Nhà nước và khối vị có bằng cấp hẳn hoi. Nhưng thôi chuyện ấy kệ xác nó. Điều Lê Hoàng bực tức nhất và cáu nhất là đã gặp rất nhiều cô thiếu nữ xinh đẹp, ngu ngốc tự phá hoại đời mình, sau đó lại chép môi giải thích “cái số nó thế”.
Số quái gì ở đây. Tự sát thì có.
Đa phần các thiếu nữ ấy mắc có một kiểu sai lầm: Đấy là đang trẻ đẹp, đang phơi phới, tương lai đang lên, mọi thứ đang rực rỡ trước mặt thì bỗng quay ra yêu sau đó hoặc có bầu, hoặc cưới một gã trai nào đó cực kỳ vớ vẩn để có một đứa con. Sau đó gã trai ấy chuồn, hoặc không chuồn cũng ly dị rất nhanh, để lại cô thiếu nữ với đứa con thơ, tương lai bỗng đóng sập ngay trước mặt.
Cái điều vô lý ấy, cái điều ngu ngốc ấy, cái điều dã man và kỳ quái ấy đã xảy ra không biết bao nhiêu lần. Tức tối nhất là gã trai kia hoàn toàn vô vị, hay nói chính xác hơn là “ăn hại toàn diện”, thường không nghề nghiệp, không học vấn, không ý chí và đôi khi không cả đạo đức luôn. Tất cả mọi người chung quanh đều thấy, cả cô thiếu nữ cũng thấy chứ không đến nỗi lơ mơ, nhưng tai hại vẫn xảy ra.
Mới đây, trên báo mạng có đăng bài phỏng vấn của một cô diễn viên trẻ, đẹp, dễ thương nổi tiếng một thời bây giờ làm mẹ đơn thân. Thủ phạm là một kẻ gần như không nghề nghiệp, trong ba năm yêu nhau họ đã chia tay tới cả chục lần nhưng cuối cùng cô diễn viên mang thai và gã kia đã cao bay xa chạy. Thế nhưng cô diễn viên vẫn cố gồng lên nói “không hối tiếc”, mặc dù ngữ cảnh của toàn bộ bài phỏng vấn nói lên sự chán nản và tuyệt vọng vô bờ. Và đặc biệt cô nhắc nhiều đến chữ duyên số.
Chính mình phải tìm ra duyên số cho mình và quyết định nó!
Các bạn cứ tin đi, ở đâu có phụ nữ bị phản bội, bị lỡ làng thì ở đó chữ “duyên số” lại được lôi ra để làm bức bình phong, để biện minh và để tự an ủi.
Duyên số ơi, mày là cái khỉ khô gì thế? Chắc chắn nó chẳng là cái gì cả. Nó không hề tồn tại, nó y như một con ma mà người ta mang ra, không phải để dọa ai mà để tự dối lòng mình.
Con người chúng ta không phải là thánh. Các cô gái cũng vậy. Rất nhiều khi chúng ta hoạt động theo bản năng, nhưng sau đó hãy mang lý trí và sửa chữa vẫn kịp cơ mà. Có thể trót lỡ với một tên ngốc nào đó thì hiểu được. Nhưng ai bắt phải cưới nó và phải giữ đứa con với nó?
Lạm dụng chữ duyên số, các thiếu nữ sẽ thủ tiêu đấu tranh, sẽ không còn sức đề kháng và không dám sửa chữa sai lầm. Phải nói thành thực rằng, số đàn ông trơ tráo trong xã hội còn rất nhiều. Chả có luật pháp nào, chả có ai cấm một gã con trai vô công rỗi nghề đi tán tỉnh một cô gái ngây thơ xinh đẹp. Đàn ông luôn luôn theo phương châm cứ thuận tiện, cứ có một phần ngàn tia hy vọng cũng buông lời tán tỉnh vì có mất mát, có mòn mỏi gì đâu. Vấn đề là các cô gái phải tỉnh táo chứ số với phận mốc xì gì.
Thà sau sự việc xảy ra dũng cảm tuyên bố “Tôi ngu, xin các chị em đừng ngu như tôi”, còn đáng nể và đáng trân trọng gấp ngàn lần. Có lẽ chả ở đâu con gái lỡ làng do bị đàn ông lừa đảo nói nhiều đến duyên số như ở nước ta. Chả cô nào tự hỏi tại sao ông trời lại chỉ dành duyên số xấu cho phụ nữ quê mình, còn ở các xứ khác thì không?
Nói tóm lại, duyên số đã trở thành một cái cớ cũ mèm nhưng các cô luôn dùng để giải thích, tự an ủi và tự biện hộ cho những hành động dại khờ của mình. Chừng đó cho thấy, phụ nữ nước ta còn thiếu tự chủ, còn chưa làm chủ được số phận.
Sau đó là hối hận: Cô nào cũng như cô ấy, sau một hồi khóc lóc, kể lể về nổi cô đơn, về sự túng thiếu thì lại kết luận, “Em không hối hận”.
Ôi, ôi, vĩ đại quá. Lợi cho đàn ông quá.
Cứ gây hậu quả đi, hỡi các chàng trai, vì sau đó phụ nữ sẽ biết tự đứng lên và biết không hối hận. Họ không hối hận thì ta việc gì phải day dứt, việc gì phải đền bù, việc gì phải ăn năn. Nếu một thế hệ các cô gái đi trước có con ngoài giá thú hoặc có con sau đó ly dị chồng khẩn cấp cứ hô hào và tự hét vang “không hối hận” thì lấy ai cảnh báo, lấy gì cho các cô gái thế hệ sau biết mà tránh xa.
Thôi đi các bà ơi, hãy sống thực với lòng đi, hãy dũng cảm tuyên bố rằng hối hận quá đi chứ, giá như có thể làm lại, có thể yêu lại thì đã không vớ lấy những thằng cha bất tài, chỉ dẻo cái mồm kiểu đó. Nếu được làm lại thì sẽ không khi nào “chết” vì những tên sở khanh bẩm sinh. Chính mình phải tìm ra duyên số cho mình và quyết định nó!
Theo Lê Hoàng (Người Giữ Lửa)