Khi nàng là sinh viên Gia đình và tình yêu
Cẩm nang này không phải “sách đen”, càng không phải chân lý. Nó chỉ cung cấp một số thủ pháp dễ thương, dễ áp dụng dành cho các chàng có tính tình mạnh dạn nhưng tâm hồn lóng ngóng. Cẩm nang này cấm cụ già trên bẩy mươi, cấm phổ nhạc, quay phim hoặc phát hành băng đĩa dưới mọi hình thức…
Về mặt luật pháp, nếu ta là một thầy giáo trẻ và nàng, một cô sinh viên xinh xắn, tìm hiểu nhau thì chẳng có gì sai trái cả. Điều tếnhị ở đây là nàng “dưới quyền” thầy, và phải xử sự sao cho đừng lạm dụng chuyện ấy.
Môn học này cũng có cái hay của nó, nhưng phải thú thực rằng thuận lợi nhất khi ta là giáo viên văn, khó khăn nhất khi ta là giáo viên thể dục hoặc giáo viên quân sự.
Thử tưởng tượng, một buổi sáng bước vào lớp học yên bình, đèn nến sáng choang, quạt trần quay vù vù, chim hót líu lo, ta, một nam giáo viên trẻ mới vào nghề, yêu đời, đẹp trai, đang say sứa nói về Nguyễn Bính hoặc Hàn Mặc Tử thì phát hiện ra ở góc lớp có đôi mắt đen với hàng mi cong đang chăm chú nhìn mình.
Trong nháy mắt, ta bủn rủn, quên sạch cả thơ. Lúc ấy, thậm chí ai cũng có thể nhầm là Xuân Diệu phát minh ra đại bác không giật chứ chẳng phải giáo sư Trần Đại Nghĩa.
Nhưng cảm giác đó chỉ nên cho phép thoáng qua trong vài giây. Ta hơi lảo đảo như người bị xúc cảm mãnh liệt của văn học ùa vào song lại hiên ngang đứng vững.
Ta tiếp tục ngân nga cho cả lớp nghe những vần thơ, kiểu như:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”
Rồi đột ngộtdừng lại hỏi một sinh viên: Nguyễn Bính là ai? Ông ta làm thơ vì lý do gì? Ông ta có đẹp trai không?
Tiếp theo, hỏi một sinh viên khác: Nguyễn Bính yêu bao nhiêu người? Có hạnh phúc không? Có tặng hoa cho vợ ngày 8-3 không?
Tất nhiên là không! Nhưng chả hề quan trọng. Ta có để ý làm gì tới thơ nữa đâu. Cái cần dồn tâm trí, là nàng.
Làm ra vẻ hết sức vô tình, hết sức thờ ơ, hơi cáu gắt, ta vẩy tay ra hiệu cho nàng đứng lên rồi hỏi:
- Em hãy cho biết Mồng Tơi là ai?
Nếu nàng trả lời đấy là một loại lá thì ta bảo sai, Mồng Tơi là người. Nếu nàng đáp Mồng Tơi là người ta sẽ cười và tuyên bố Mồng Tơi là… lá!
Nàng sẽ mở to mắt ngạc nhiên cùng với các sinh viên khác. Ta cần tranh thủ nhìn vòa mắt nàng, xem độ đen, độ sáng và độ cong để hiểu rằng mình đã “chết”. Rồi với vẻ nghiêm khắc cố hữu của một ông thầy giáo giỏi, giao cho nàng việc sưu tầm khoảng chục câu thơ, trong ấy người là lá, lá là người của Việt Nam và… quốc tế. Tuần sau phải nộp!
Nàng sẽ hoảng hốt, ấp úng xin hoãn. Ta cau có nói việc đó hoàn toàn không thể được. Tiết học kết thúc.
Ta lao về nhà, úp mặt lên gối hồi lâu. Rồi vùng dậy tìm những câu thơ về lá, nếu bí quá thì về quả hoặc về hoa kiểu như:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”
Ta cứ lẩm nhẩm các câu ấy như nhẩm kinh, thuộc đến độ có thể đọc xuôi hay đọc ngược đều được cả.
Đến tiết học sau
Ta lại nói về thơ. Làm như sực nhớ, ta bảo nàng đứng lên, đọc mấy câu mà thầy giáo giao cho về nhà sưu tập. Sẽ có hai khả năng xảy ra:
1. Nàng chả tìm ra câu nào hết
2. Nàng đọc một mạch… năm chục câu
Trọng cả hai trường hợp thầy giáo đều dang tay bất lực. Thầy không ngờ cô nữ sinh lại kém đến thế, hoặc lại hiểu đơn giản đến thế.
Để khỏi làm cho tập thể sinh nghi, ta kêu thêm dăm ba em đứng dậy. Tất cả sinh viên đều lúng túng như nhau.
Tuyệt vọng, ta buồn bã mời cả nhóm, sau tiết học, lên phòng giáo viên bộ môn.
Khi tất cả đã ngồi im, sợ hãi trong căn phòng đầy tính học thuật, ta lần lượt hỏi từng em về quá trình đến với thơ văn… Ta tỏ ý tiếc và đượm buồn khi hầu như mọi người đã lên chậm chuyến tàu văn học. Ai phỏng vấn xong đều được mời về. Nàng cuối cùng còn lại.
Ta hỏi nàng bằng giọng buồn pha… chua xót. Hãy thổ lộ (chứ không phải giảng giải) rằng đáng ra một cô gái thông minh (tránh dùng từ xinh đẹp) như nàng phải hiểu về thơ, về lá hơn mới phải.
Nàng có thể rụt rè phản đối, nói rằng tuy chưa đạt tới độ sâu sắc, nhưng nàng cũng phải biết về thơ… đủ dùng. Ta cần thở dài… mãnh liệt hơn, bảo rằng biết chưa đủ, thuộc chưa đủ, cần phải cảm xúc nữa. Mặc cảm xúc hiện nay nàng rất yếu, mặc dù có… tiềm năng,
Sau đó, ta đưa ra vài quyển thơ, dặn nàng về đọc kỹ, tuần sau viết nộp cho thầy một bài… thu hoạch.
Tất nhiên là nàng nhăn nhó. Tất nhiên là ta lạnh lùng, nói rằng con đường văn học của mọi người đều chông gai, phụ thuộc vào sự đam mê, sự khám phá và sự nghiêm túc tiếp thu những gì thầy giáo nói (đặc biệt là thầy giáo nam).
Để ngụy trang, ta về lớp bắt tất cả sinh viên phải viết bài thu hoạch tương tự, và nói tất cả “nạn nhân” sẽ được quyết định bởi bài thu hoạch này.
Ai nấy răm rắp làm theo. Sau một tuần, ta trả bài và có điểm số cho từng học sinh. Riêng một vài trường hợp cá biệt ta nói rằng không thể quyết định được nếu không trao đổi thêm.
Tất nhiên là nàng ở trong số đó.
Ta gặp riêng từng người, thật cẩn thận và thật kỹ.
Đến lượt nàng, ta tuyên bố bài viết của nàng rất đặc biệt. Nó rất giàu cảm xúc nhưng yếu về cách trình bày. Có thể cho điểm cực thấp cũng được, mà cực cao cũng được.
Nàng sẽ hoang mang, ngỡ ngàng, pha sợ hãi. Ta vội vàng an ủi. Ta nói các thiên tài đều như vậy cả!
Ta đưa thêm cho nàng khoảng chục cuốn sách, dặn nàng đọc và phải suy nghĩ thật lâu. Nội dung của nó đều lãng mạn và thơ mộng.
Kể từ đấy trở đi, thỉnh thoảng gặp, anh giáo lại hỏi thăm về một cuốn. Nàng kể về suy nghĩ của nàng, ta kể về suy nghĩ của ta, Không có gì là thầy trò cả, chỉ có trai trẻ nói chuyện với gái trẻ mà thôi.
Văn chương làm hai người xích lại gần nhau. Nếu sau mười cuốn vẫn không đủ, ta cứ đưa thêm. Chỉ có điều bạn phải nhớ… đọc chúng trước, và đọc tương đối kỹ, tránh nhầm cuốn nọ sang cuốn kia!
Rồi một ngày nào đó, ta đưa nàng một cuốn bọc cẩn thận. Ta bảo nàng đó là một cuốn rất hay, rất đặc biệt, rất lạ lùng mà nhiều ủy ban xét giải văn học còn đang truy tìm và khám phá lâu nay.
Hôm sau, nàng gặp ta, ngạc nhiên bảo rằng đấy là một cuốn sổ giấy trắng chả có thứ gì cả.
Ta cười, sau đó nhẹ nhàng nhìn thằng vào mắt nàng:
- Vậy thì em hãy viết lên đó!
Lê Thị Liên Hoan