Lãng mạn đã cạn thời hiện đại? Gia đình và tình yêu
Chủ nghĩa lãng mạn bùng nổ ở Pháp sau lan khắp Châu Âu thế kỷ XVIII và XIX, quả thật đã đem lại cho phụ nữ nói riêng, hai giới nói chung một diện mạo mới về tình yêu thật tuyệt diệu, duyên dáng, mãnh liệt.
Ngay ở Châu Âu, mảnh đất mà người ta thấy rất phóng khoáng ngày nay, trước thời lãng mạn, phụ nữ ra đường phải che mạng, mặc váy phải đeo lồng bên trong khiến cho chàng trai nào muốn sán lại cũng không thể vượt qua chu vi của chiếc lồng đó, rồi phải đeo găng, đi tất như văn hào Stephan Zweig đã tả, chỉ có cha mẹ nàng mới nhìn thấy mắt cá chân nàng. Thậm chí ở một số vùng thời trung cổ còn có cả khóa chung thủy bằng sắt chị em phải đeo vào hông, ông chồng khóa lại, rồi đem chía khóa ra trận, nhiều người không trở về, không có chìa khóa về theo, thế là những người vợ phải ra thợ rèn nhờ họ nung chảy chiếc khóa thắt lưng trên người. Phổ biến hơn, là các bé trai, bé gái bị tách ra từ bé phải theo học các trường, trường con trai, trường con gái, còn trong gia đình người ta nói về giới tính của đàn ông cũng như đàn bà như cái gì tục tĩu, húy kỵ, không được phép.
Nhưng làn gió lãng mạn đã thổi thốc qua, phụ nữ được mặc váy ngắn, khoe phô những cặp chân thon chạy tung ra phố, ánh mắt nàng hân hoan đón đợi người yêu và đôi môi nàng còn mở ra tự nhiên như những cánh hoa đón nhận đôi môi chàng khao khát nụ hôn như miệng con ong ngay trên đường phố. Tất cả, từ hội họa, âm nhạc, điêu khắc, văn chương đã mang một diện mạo mới, tinh khôi, rạo rực và nóng chảy. Đỉnh cao của nàn sóng lãng mạn đó chính là ban công của tình yêu nơi chàng Romeo trèo tường lên với nàng Juliet tình tự như làm rụng cả các sao trời. Và chủ nghĩa lãng mạn còn sửa soạn cho cả sự biến đổi trong Hiến pháp, đầu thế kỷ XX khi phụ nữ giành được bình quyền, phải nói việc đó có đóng góp không nhỏ công lao đã giải phóng chị em của chủ nghĩa lãng mạn.
Chủ nghĩa lãng mạn đẹp vậy, nhưng trong thời kinh tế thị trường và sản xuất dây chuyền công nghệ ngày nay, nhiều người lo lắng rằng, chủ nghĩa thực dụng đã lấn át tính lãng mạn của tình yêu, thôi thì, còn đâu trăng sao, gió thì thầm, hư phấn ám ảnh, tất cả như quy cả vào tiền như một tuyên ngôn của thời tiền bạc “Có tiền là có mật ong”.
Chúng ta thử so sánh, đôi tình nhân của thời lãng mạng và đôi tình nhân của thời hiện đại @. Xưa kia đôi tình nhân dẫn nhau đi nghỉ mát, họ cùng nhau ngắm trăng, nghe sóng vỗ rì rầm, thì thầm với nhau những lời lẫn trong tiếng sóng, ngắm nhìn nhau ánh mắt tan chảy cùng ánh trăng. Còn ngày nay, ra bờ biển thì thấy vô số các chàng, các nàng ngồi bên nhau, họ chẳng nhìn, chẳng nghe gì cả mà mỗi người rút ra chiếc điện thoại di động, chàng thì mải mê chơi trò xếp hình điện tử, nàng thì soạn hết tin này nhắn đến tin khác gửi cho các bạn ở nhà. Người hiện đại mang tiếng thực dụng mà quả là dại dột. Người ta phải bỏ bao nhiêu tiền ra, đi đến bãi biển xa cả nghìn cây số, vậy mà họ không chịu thụ hưởng cảnh đẹp không giá nào mua được, lại rút chiếc điện thoại bên mình ra, chơi những trò chơi mà không cần phải ra khỏi nhà cũng chơi được. Thật lãng phí và thiếu tính toán làm sao!
Thế còn chưa hết, đang đêm khi vợ chống đã gối ấp má kề bên nhau, chồng liền lẻn dậy, sang phòng bên rút ra chiếc vi tính xách tay, bắt đầu phiêu lưu tìm những mảnh tình ảo tưởng, nào nàng này là người mẫu, nàng kia là vũ công, có nàng còn là hoa hậu, nàng đón nhận lời tán tỉnh của ta còn nhanh hơn máy, nàng nhận ra tài năng phí phàm và sự đáng yêu của ta nhanh hơn cả điện… Còn cô vợ cũng chẳng kém gì, chồng vừa đi cô liền nhóm dậy sang ngay phòng kế bên, lần tay tìm bàn phím và chỉ vài động tác đã tung lên màn hình vô số những chàng hiệp sĩ hấp dẫn, từ minh tinh màn bạc đến các vợ bộ trưởng, tất cả đều sẵn đi một câu trên cửa miệng “anh không thể nào sống nổi nếu không có em”. Ở trung Quốc mới đây, người ta tính tính, có rất nhiều đôi bỏ nhau, chỉ vì phiêu lưu tình ái qua mạng.
Hiện thực trên nói lên điều gì? Đó là, ngay cả những máy móc tân thoiừ nhất vẫn ru con người vào trong sự lãng mạn ảo. Anh chồng có cô vợ, đều tung tấm chăn thực dung cũ rích của hôn nhân qua một bên, để tìm những bầu trời đầy sao của tình yêu trên mạng. Đó có thể gọi là “lãng mạn ảo”. Vì không có yếu tố lãng mạn ở ngoài đời, mà người ta buộc phải tìm đến “cuộc cách mạng ảo” của máy móc.
Ở đời, cái gì được vì với lãng mạn? Đó là, men say, là hương phấn, là rượu, cuộc đời thiếu những thứ đó thật buồn tẻ làm sao. Một văn hào đã ví: Cái gì thừa ở đời mới là cái mang chức năng làm đẹp. Giả sử, chiếc cổ áo kia, nó đẹp vì nó thừa ra ngoài chiếc áo, rồi những con sơn, những mái cong, những chạm khắc của một tòa nhà, chúng đẹp là bởi chúng thừa ra, hoa không ăn được nó cũng là cái đẹp “thừa”, mọi văn hoa, ngu mũ, dài áo trên đời đều là những thứ “thừa” để mang vẻ đẹp. Vậy thì nếu tính yêu chỉ vừa khít tính thực dụng thì bao giờ nó mới có thể mang đến vẻ đẹp?
Thi hào Whitman có viết:
“Anh cùng em không một xu dính túi
Vẫn mua được hương thơm của cả trái đất này”.
Người ta mua được hương thơm không nhờ tiềm mà nhờ khát vọng từ bên trong của tâm hồn. Sao trời có đó, mà đôi mắt không biết ngắm, thì sao trời đâu có hiện diện. Tình yêu mang vẻ đẹp cũng có ở đời nhưng nếu trái tim nào để những đám mây thực dụng che phủ, thì mảnh trăng lãng mạn đâu có thể hiện ra và chiếc giường của hôn nhân chỉ làm bằng gỗ, chứ không phải một thiên đường chở mang cõi thiên thai của những tự tình vô tận.
Nguyễn Hoàng Đức