Những góc nhìn tình yêu Gia đình và tình yêu
Tình yêu đúng ra là một vấn đề mà mỗi một trong chúng ta đều trải nghiệm – một kinh nghiệm tích cực, một cấu thành của hạnh phúc. Bài này đặt chủ tâm trên góc nhìn xã hội học của hiện tượng ấy (tình yêu và hôn nhân, tìm bạn tình trên internet, tình yêu và sự thống trị của nam giới, ...) nhưng cũng không quên những khía cạnh khác thuộc nghiên cứu về con người. Vì tình yêu là một vấn đề tổng thể, có thể được tiếp cận bởi nhiều khoa học khác nhau trong đó có nhân học, tâm lý học, và cuối cùng thần kinh học. Con người, nói như Pascal, là “một cây sậy biết suy nghĩ”, tình yêu cũng bị “quyết định“ bởi não bộ..
Dấu hiệu … lâm sàng của tình yêu
Một chuyện tình, khi bắt đầu thường có cái vẻ gì rất là “huyền bí” và “tuyệt diệu”. Huyền bí vì có lý luận thế nào đi nữa người trong cuộc cũng không hiểu hết các lý do, còn người ngoại cuộc thì có thể thấy đầy vô lý.
Tuyệt diệu vì người bắt đầu yêu cảm thấy lòng phơi phới, tràn đầy nghị lực, sung sướng, thấy đời đẹp hơn.
Nhà nhân học Helen Fisher đã khảo sát trên những người Mỹ và người Nhật trẻ để tìm ra các dấu hiệu lâm sàng của tình yêu (1)
Tất cả đều tập trung về đối tượng của tình yêu – gần thì thương, xa thì nhớ. Lamartine đã có câu thơ ngắn gọn diễn tả trạng thái này “Một người vắng bóng như cả vũ trụ không còn ai (Un seul être qui vous manque et tout est dépeuplé). Còn bên ta thì nói “Qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”.
. Nhu cầu gần gũi và hòa hợp vào/với đối tượng – hơn cả hoà hợp, nhập vào thành một với đối tương – Ta có câu “Mình với ta như hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai” thể hiện rất sống động nhu cầu này – chủ thể và đối tượng lẫn lộn nhau trong chữ “mình”. Nhu cầu này “mở cửa” cho nhu cầu về liên hệ giới tính sau đó.
. Lý tưởng hóa đối tượng – Thật vậy, tình yêu không giúp ta “hiểu” đối tượng, ta chỉ biết yêu thôi và đối tượng của ta là người tuyệt diệu nhất trên đời. Chính vì đặc điểm này mà các bậc làm cha mẹ nên cẩn thận: ngăn cản một đôi trẻ yêu nhau, làm một tình yêu dang dở – như Romeo và Juliette – là “giết” cả hai nhân vật đang yêu. Bên Tây thì nói tình yêu làm mù quáng, làm ta chủ quan.
. Tìm cách làm sao cho đối tượng thành ...độc quyền sở hữu của mình – từ đó sinh ra ghen tuông vì không chấp nhận chia sẻ tình yêu. Mặt khác, người đang yêu và đối tượng của mình tự tạo thành một vũ trụ riêng, bất chấp thế giới bên ngoài.
Tâm lý học gặp xã hội học ở điểm này: dù thế nào đi nữa, những người đang yêu phải giải quyết các giằng co, tranh chấp với các liên hệ xã hội khác mà cặp đôi phải sống cùng. Vì các người đang yêu cũng phải đi làm, đi học, phải ...lễ nghĩa với gia đình, bè bạn!
Không chỉ có bà Helen Fisher, nhiều tác giả khác cũng nêu sự chủ quan, vai trò của trí tưởng tượng, những giằng co và căng thẳng trong các liên hệ xã hội nơi các người đang yêu.
Ông Alain Eraly, một nhà xã hội học người Bỉ, nói về những khó khăn khi phải công bố trước thanh thiên bạch nhật tình yêu của hai người chẳng hạn (2).
Ba cấu thành của tình yêu theo Robert Sternberg
Nhà tâm lý học người Mỹ, Robert Sternberg, giáo sư ĐH Yale, đã viết một “lý thuyết về tình yêu”, phát hành năm 1986 (3) (4).
Theo Sternberg, tình yêu là một cân bằng giữa ba yếu tố: sự đam mê, sự gần gũi riêng tư, sự dấn thân cam kết – như một lời hứa với người mà ta yêu.
Đam mêlà tình cảm đặc biệt chỉ dành cho một đối tượng đặc thù. Với người tình, ta kết hợp thành một thế giới riêng tư với những liên hệ đa dạng, vừa tình cảm, dĩ nhiên rồi, mà còn là liên hệ xã hội, liên hệ giới tính, liên hệ triết lý, ...Chính cái liên hệ triết lý này dẫn đường cho liên hệ cam kết với nhau, có trách nhiệm và có viễn ảnh dài lâu.
Nếu thiếu một trong ba yếu tố cấu thành nói trên thì chỉ còn tình yêu không vẹn tròn, chẳng hạn như trong trường hợp tình yêu giới tính, chỉ là tình một đêm. Nếu chỉ có cam kết thì có thể là một cuộc hôn nhân tính toán, sống cùng nhau nhưng không yêu nhau.
Rốt cuộc có lẻ đam mê là cấu thành quan trọng nhất của tình yêu
Sự đam mê có thể bắt đầu bằng một sức hút mạnh khiến ta muốn gần gũi, muốn chiếm đoạt người yêu thành của riêng tư, muốn cô lập với thế giới bên ngoài, chỉ còn … mình với ta trên đời.
Đam mê người tình làm cho ta, nếu phải chia ly sau đó, rơi vào tình thế ...”côi cút”, phải “để tang” người tình và cần thời gian trước khi lành vết thương tình để yêu người khác.
Cái đam mê đó, ngôn ngữ Việt Nam diễn tả bằng chữ “đồng” trong : “Đồng vợ, đổng chồng, tát Biển Đông cũng cạn”.
Ở đây, nói đến “vợ”, “chồng” tức là nói đến, trong cùng một câu, cấu thành “cam kết” mà ta vừa bàn ở trên.
Nếu theo định nghĩa của Sternberg thì tình yêu đơn phương không thể là một tình yêu tròn vẹn vì nó thiếu cấu thành “gần gũi”. Ta có quyền phải lòng một ai đó nhưng nếu không được đáp lại thì sớm hay muộn, theo luật tình cảm, thì ta cũng sẽ gặp và yêu người khác. Ít ai mang một mối tình đơn phương xuống tuyền đài như Trương Chi trong truyện cổ tích.
Tình yêu và hôn nhân
Trong các truyện cổ tích, kết luận thường thấy là “ cô gái da lừa và hoàng tử kết hôn với nhau rồi sinh con đẻ cái” - dù rằng nói theo nhà thơ thì “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề".
Trên phương diện lý thuyết, khởi điểm của liên hệ cặp đôi và hôn nhân là một vấn đề được xã hội học nghiên cứu từ hơn nửa thế kỷ nay.
Cuộc tình thường không bắt đầu như một truyện cổ tích bất chấp các khác biệt về giai cấp. Trái lại, hiện ở thế kỷ XX và XXI, tình yêu và hôn nhân có “những qui luật của nó”. Ta không gặp hay kêt hôn bất cứ ai. Luật kết hôn với người giống mình vẫn còn hiện hành dù internet thành một chợ tình “thông dụng”, dù các bà mai bà mối đã thành lỗi thời và theo nguyên tắc ta có thể yêu và kết hôn với bất cứ ai.
Alain Girard (1914-1996) từ đầu thập niên 1960 trong nghiên cứu Sự lựa chọn người hôn phối (Le choix du conjoint) đã cho ra đời khái niệm kết hôn với người giống mình và sáng tạo cả một chữ mới “homogamie” để chỉ khái niệm đó (5).
Đúng ra, ông nói đến bốn «gần gũi» – proximités – giữa hai người bạn đời : ở gần nhau khi nói về khoảng cách địa lý, giống nhau về giai cấp xã hội, về ý tưởng và tôn giáo sau cùng là cả hai có trình độ học vấn tương đương nhau.
Đó là kết quả của những nghiên cứu thực tiển ông đã hoàn thành cho dân Pháp. Những điều tra tương tự ở Bỉ và ở Mỹ cũng cho những kết quả như thế.
Nếu hôn nhân là do giàn xếp của gia đình, qua mai mối với những tiêu chí «môn đăng hậu đối» thì «đôi trẻ» giống nhau dễ hiểu thôi. Nhưng ở trời Âu, hôn nhân xếp đặt đã nhường chỗ cho tự do luyến ái từ sau thế giới chiến tranh thứ I và thành phổ biến sau chiến tranh thứ II – nghĩa là từ lâu rồi …
Ông Girard giải thích những cái gần gũi đó là do nơi mà nam nữ gặp nhau để sau đó đi tới hôn nhân.
Ta thường gặp người bạn đời ở nơi làm việc hay ở trường học – thành ra có cùng điểm tương đồng thì đâu có gì lạ . Một nơi gặp gở của nam nữ khác nữa là nơi nghỉ hè hay nơi các sinh hoạt giải trí. Dĩ nhiên rồi, tùy theo sở thích và «điều kiện» hay khả năng tài chính, ta chọn nơi nghỉ hè. Người bạn tình mà ta gặp ở nơi ấy sẽ cũng như ta thôi.
Điều thứ nhì, trái tim ta thường chỉ «thổn thức» khi đập cùng nhịp với ai đó. Mà thông thường, chúng ta chỉ cùng nhịp với những người giống mình. Nếu không, «ai tri âm đó, mặn mà với ai ?»… Mà ít hay nhiều, con người là một sản phẩm của xã hội, được xã hội hóa, học hỏi từ cha mẹ, theo những khuôn mẫu của gia đình, trường học, … Nhân sinh quan và vũ trụ quan của ta không phải … từ trên trời rơi xuống hay …ta đã có sẳn từ lúc chào đời – Nghĩa lả không phải bẫm sinh mà là do môi trường đào tạo cho ta.
Thế nên nếu ai đó và ta cùng trên tần sóng thì có rất nhiều khả năng là văn hóa, triết lý, hoàn cảnh xã hội của cả hai người giống nhau.
Kết hôn với người giống mình không là một thái độ kỳ thị. Trái lại là khác. Tim ta rộng mở với tất cả mọi người, nhưng nó … chọn một người có nhiều tương đồng với ta.
Hơn nữa, kết hôn với người giống mình giúp hôn nhân bền vững hơn.
Thật vậy, Jean Kellerals, một nhà xã hội học ở ĐH Genève Thụy sỉ khi nghiên cứu về li dị cho thấy là thiếu sự đồng nhất giống nhau – absence d'homogamie – là một trong những nguyên nhân chính khiến các cặp vợ chồng quyết định xa nhau (6).
Nhưng từ từ, ít nhất là ở trời Âu, tình yêu và hôn nhân không còn đi đôi.
Ta có thể yêu ai đó, sống chung với người mà ta yêu và sinh con đẻ cái nhưng không cần kết hôn.
Vì nhiều lý do.
Cái cam kết giữa hai người, một trong ba cấu thành của tình yêu theo Sternberg, là đủ, không cần một giá thú (= nhìn nhận pháp lý) hay một nhìn nhận của nhà thờ, hôn lễ theo tôn giáo. Bên ta, tiệc tùng lớn dịp đám cưới là hình thức để thông báo sự kiện với họ hàng thân thuộc (= nhìn nhận xã hội).
Ba thủ tục nhìn nhận này (pháp lý, tôn giáo và xã hội) làm rình rang, tốn kém mà, các nghiên cứu ở trời Âu, đã cho thấy, không giúp cho các cặp đôi hạnh phúc hơn hay bền vững hơn.
Tỉ lệ li hôn ở trời Âu cao, hơn 50% các cặp đôi, có cưới hỏi hay không, li dị xa nhau sau đó. Nhiều cặp li hôn xong vẫn giữ những liên hệ tốt đẹp với nhau, nhất là vì họ đã có con cùng nhau. Đổ vỡ của hôn nhân hay chia tay nhau không còn bị xem như một thất bại.
Tình yêu và não bộ
Từ mười năm nay khoa học về thần kinh tiến bộ vượt bực, nhất là nhờ sự hổ trợ của các máy quét scanner. Quan sát sinh hoạt não bộ có thể giúp giải mã hay ít nhất là cho ta hiểu thêm về những bí ẩn của con người, từ việc học, khuynh hướng đồng tính hay chuyện yêu đương – chủ đề của bài này.
Cho những đối tượng nghiên cứu xem một lô ảnh khác nhau và quan sát não họ qua máy quét. Kết quả là ảnh của người yêu làm rạng sáng, qua máy quét, nhiều vùng não của họ (7).
Cộng lại kết quả của tất cả sáu nghiên cứu về các biến đổi não bộ của 120 người tự nguyện ta thấy rằng lúc họ yêu, ít nhất là 12 vùng của não bộ họ làm việc. Với sự trợ lực của ocytocine, hoóc môn của sự thương cảm cùng với adrénalinevà vasopressine như chất truyền nơ rôn (8).
Ở những người mới yêu nhau, mực máu nuôi các dây thần kinh NGF (nerve growth factor) cũng cao hơn.
Các chất truyền nơ rôn – neurotransmetteurs – như noradrénaline và sérotonine hợp lực với dopamine làm cho người đang yêu sinh hoạt tích cực hơn, hiếu động hơn và yêu đời hơn.
Cuối cùng, những nghiên cứu so sánh những người đang yêu với những người dùng chất nghiện cocaine – ma túy – cho thấy là não bộ của họ có những vùng “rực sáng” tương tự (= những trạng thái cảm xúc tích cực, khoái cảm hay hưng phấn).
Yêu ai đó cho những kết quả thần kinh như khi ta dùng cocaïne. Thế ra cũng dễ hiểu khi ta thành … lệ thuộc người ta yêu, không khác nào nghiện ma túy!
Mạng Internet, một cuộc cách mạng xã hội và cách mạng … hôn nhân
Thế hệ của ông bà cha mẹ ta thường gặp người yêu ở các lễ hội, nhờ trung gian người quen hay gặp nhau nơi trường học, nơi làm việc, nơi đi nghỉ hè. Tức là gặp nhau cụ thể trong đời sống hàng ngày, tay bắt mặt mừng, bằng mặt và bằng lòng.
Từ thập niên 1990, với mạng Internet, những trang web hẹn hò nở rộ và các thành viên dùng những nơi chốn này để đối thoại, tìm đối tượng yêu đương và trổ đủ mọi tài quyến rũ. Không trực diện, mỗi cá nhân có thể ẩn mình sau một bí danh, tha hồ thêu dệt … hồ sơ cá nhân và tha hồ dùng và lạm dụng các khả năng phim ảnh, điều chỉnh hình ảnh để ...làm đẹp bản thân.
Cho nội dung các đối thoại cũng thế. Không trực diện, những cá nhân này cũng tự do phát biểu những ý tưỡng cao sang đẹp đẻ nhất – không ai đi kiểm chứng được – cho đến ngày chinh phục hoàn toàn người gặp trên mạng và cuối cùng tiến đến gặp mặt người ấy trong đời thường.
Trên các trang web hẹn hò, một biệt danh, một phiếu tự giới thiệu, vài dòng về mẫu người yêu “lý tưởng”, một cái ảnh … là đủ để đi vào … “chợ tình”, rồi “chat”, rồi “chit”, nhiều người … quên ngủ để tìm người yêu suốt thâu đêm.
Đó quả là một cuộc cách mạng cho đường tình vì trước máy vi tính hay trước màn ảnh của điện thoại thông minh các cá nhân hoàn toàn không bị ánh mắt dò xét hay kiểm soát của người đối diện. Họ tự do hơn, họ một mình tha hồ tự tung tự tác, không cần e lệ, … và họ có thể liên hệ với nhiều người cùng một lúc (với thao tác chép-dán) để có thể cân đong so sánh các đối tượng đang theo.
Rõ ràng đây là một loại chợ tình và sau đó các cá nhân còn có thể thay đổi ý kiến, bỏ người này khi tìm được một người khác ...khá hơn – ở siêu thị, khi không vừa ý với một món hàng ta có thể đem trả và chọn món khác –
Cái lô gic các site web hẹn hò là hạn chế tối đa những người không thích hợp nhờ những tiêu chỉ chi tiết về xã hội, trình độ và cả ngoại hình đưa ra lúc ban đầu để tìm đối tượng thích ứng nhất – thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cho cái market tình ái này.
Khó khăn lớn nhất thuộc phần phần biểu tượng. Nam và nữ có những chờ đợi khác nhau khi vào cuộc ở trang hẹn hò.
Đại đa số nữ giới có khuynh hướng chờ đợi một liên hệ chân tình, bền vững, có thể đi đến hôn nhân trong khi nam giới cần một cuộc gặp gở nhanh chóng
Trong khi nam giới, đa phần, họ đi tìm một phiêu lưu tình cảm trước nhất, sau đó có đi tới chuyện dài lâu hay không chỉ là phụ thuộc. Đàn ông bản tính là ít chung tình hơn phụ nữ – ít nhất là ở trời Âu.
Phụ nữ thích làm tổ, trong khi nam nhi thích bay lượn, không chuộng ràng buộc
Thế nhưng phát triển các đô thị, mỗi người thành “một xứ cô đơn”, phụ nữ tự do hơn, tỉ lệ li dị tăng, … những người độc thân càng ngày càng khó tìm bạn tình.
Internet thành một công cụ cần thiết nếu không nói là tối cần thiết. Biết rằng đó là một công cụ không hoàn hảo nhưng hiện người độc thân không có nhiều lựa chọn khác.
Tất cả những chi tiết này, nhà xã hội học Pascal Lardellier đã khảo sát thực địa trên những thành viên của các trang web hẹn hò để thấy rằng họ đối thoại, bày tỏ sở thích của mình, vén màng bí mật về cá nhân mình cho người đối diện rất lâu trước khi gặp mặt (9).
Yêu một ngày là yêu trăm năm?
Đó thường là khẳng định của những người đang yêu một cách cuồng say. Trong các loại đám cưới, các cặp yêu nhau tới kiểu “mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai” hoặc như Xuân Diệu nói “Mình đi, mình lại nhớ mình” những tình yêu mà tiếng Pháp gọi là fusionnel kiểu hai người yêu “cuộn” vào nhau như khi đổ hợp kim – tình yêu như thế thực chất là rất dễ tan vỡ.
Mà không chỉ có các đam mê yêu là dễ vỡ. Hầu như tất cả các tình yêu là những thực thể không bền vững.
Yêu nhau, cưới nhau rồi sinh con đẻ cái với trách nhiệm nuôi con. Lúc ấy, tình yêu được nhờ có bổn phận xã hội và cái “nghĩa” nói theo ngữ vựng của ông bà ta, vun trồng mới còn hạnh phúc sống chung với nhau.
Các nhà tâm lý xã hội học muốn ...biết trước hay dự đoán sự trường cữu của các cặp đôi.
GS John Gottman ở ĐH quốc gia Washington (Seatle), đã nghiên cứu bằng cách dựng nên một phòng thí nghiệm - The Love Lab -, để tìm những biểu hiệu hay tiêu chí của một cặp đôi sẽ sống dài lâu với nhau với ba phương pháp tiếp cận.
. Ông và các cộng sư thiết lập một loại khung quan sát để xem các người trẻ đối xử thế nào khi nói về cặp đôi của họ (nhướng mày, nhìn nhau, cường độ của ánh mắt, …) khi họ “bị” cô lập trong Love Lab ở thời điểm quan sát.
. Cách thứ nhì: cặp đôi được phỏng vấn riêng từng người và đề cập tới vài vấn đề tế nhị hơn như liên hệ tình dục, tính xấu hay những chỉ trích có thể đối với người bạn tình…. - Ngoài các câu trả lời bằng ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu còn có thể quan sát những phản ứng không lời như sự bực bội, sự thoải mái, các dấu lặng, ngập ngừng hay hăng say, ... của các chủ thể trong nghiên cứu-,
. Một cách khác là quay phim 24 giờ trong đời sống thường ngày, với sự đồng ý của các chủ thể nghiên cứu, rồi đong đếm số liên hệ, đặc tính các loại liên hệ gần nhau, chạm tay, chạm vai, những lần cười nói với nhau, cách trả lời người hôn phối, ...
Cộng hết các kết quả này J. Gottman kết luận được giá trị của liên hệ trong cặp đôi và tiên đoán được (xác xuất đến khoảng 90% theo ông) các cặp đôi nào có thể sống đến răng long đầu bạc với nhau, để cuộc tình một ngày thành trăm năm (10).
Phàm phu tục tử thì ta gọi những biểu hiệu mà Gottman đong đếm là những cách mà các cặp đôi tiếp tục “vun trồng” tình yêu.
Kết luận
Trong toàn bộ các tác phẫm trong đời mình, Pierre Bourdieu, một đại thụ của xã hội học Pháp, đã không nghiên cứu chủ đề tình yêu. Về liên hệ nam nữ ông chỉ viết Sự thống trị của nam giới – một tác phẫm được đại đa số những người tranh đấu cho nữ quyền trên thế giới xem như là công trình của thế kỷ (sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng).
Trong sách này, tình yêu cũng được ông bàn đến như một ngoại lệ của sự thống trị ấy, khi ông định nghĩa (11)
“Tình yêu là một loại ngưng chiến kỳ diệu khi sự thống trị thành như bị kiềm tỏa[…]. Tình trạng này rất ít gặp – Vã lại, việc mất thống trị hoàn hảo nhất có lẻ là trong các cuộc tình đam mê – nhưng yêu cho lắm thì dễ đổ vở vì nó đòi hỏi cao cho chính bản thân và cho đối tượng, vì nó vượt quá những giới hạn chấp nhận được – Các hôn nhân dựa trên tình yêu đam mê thường dễ li dị và tình yêu đam mê này thường nhường bước cho những khủng hoảng, những suy tính ích kỷ hay những sự nhàm chán của cuộc sống thường nhật”.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng theo Boudieu, tình yêu là một trường hợp ngoại lệ của sự thống trị giới. Yêu nhau cần bình đẳng là thế. Từ đó cũng có thể suy ra rằng tình yêu không thể ...sống cùng nhà với bạo lực gia đình. Nhưng bạo lực gia đình là một vấn đề khác.
………………………………………………………
(1) Fisher H., Pourquoi nous aimons? (bản dịch tiếng Pháp của Why We Love: The Nature and Chemistry of Romantic Love). NXB Robert Laffont, 2006.
(2) Eraly A., L'amour éprouvé, l'amour énoncé trong quyển: Moulin M. và Eraly A., Sociologie de l'amour. NXB Université Libre de Bruxelles, 1995.
(3) Sternberg R. J. (1989). The psychology of love. NXB Yale University Press.
(4) Sternberg R. J. (1986). A triangular theory of love, Psychological review, 93 (2). 119-135.
(5) Girard A., Le choix du conjoint. NXB Presses Universitaires de France,
(6) Kellerhals J., Divorce et modèles matrimoniaux. Quelques figures pour une analyse des règles de l’échange. In Rev. Fr. Sociol., 1982, 23-2, 195-222.
(7) Aron A. và cộng sự, Reward, motivation, and emotion systems associated with early-stage intense romantic love. In Journal of Neurophysiology, vol. XCIV, n° 1, 07. 2005.
(8) Ortigue S. và cộng sự, Neuroimaging of love: fMRI meta-analysis evidence toward new perspectives in sexual medicine. J. Sex Med 2010 7(11):3541-52.
doi: 10.1111/j.1743-6109.2010.01999.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20807326/
(9) Lardellier P., Le Coeur Net. Célibat et @mour sur le Web, NXB Belin, 2004.
(10) Gottman J., What Predicts Divorce ?NXB Lawrence Erlbaum Associates, 1994, và Why Marriages Succeed or Fail, NXB Simon & Schuster, 1994.
(11) Bourdieu P., La domination masculine. NXB Seuil, 1998 (trang 117-118).
Huỳnh Mai/VHNA