Những khoảnh khắc khủng hoảng của mọi cuộc hôn nhân Gia đình và tình yêu
Sex, tiền bạc, con cái thường là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột vợ chồng. Song nếu bạn thấy mình và nửa kia cãi nhau to về một lý do… không thể được xem là lý do, thì yên tâm, các bạn không phải cặp đôi duy nhất đối mặt với chuyện đó.
1. Cãi nhau to chẳng vì lý do gì
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu của cuộc chiến này là stress. Hôn nhân giống như một điểm nóng hấp thụ mọi cơn stress từ tất cả các nguồn. Khi mức độ stress lên đến đỉnh điểm, ngay cả cặp đôi hoàn hảo nhất cũng thành ra… bê bối nhất.
Theo những cặp vợ chồng đã có kinh nghiệm trong chuyện này, nếu bạn đối đầu với một cuộc chiến lớn mà nguyên do chẳng đâu vào đâu kiểu “con dao nào dùng để cắt cà chua mới đúng”, thì hãy tìm cách dập tắt cơn stress. Trước tiên nên hít thở thật sâu, nghĩ lại xem vấn đề “con dao” có thực sự là vấn đề hiện thời của bạn. Và nếu bạn đã trót to tiếng rồi, hãy xin lỗi, giải thích với nửa kia xem điều gì mới là nguyên do khiến bạn thực sự phiền muộn, chuyện bé xé ra to như thế.
2. Cuộc chiến mang tên tài chính
Cho dù bạn có tin tiền bạc là khởi nguồn của mọi tội lỗi hay không, vẫn không thể phủ nhận nó chịu trách nhiệm về khá nhiều vấn đề trong đời sống hôn nhân. Sẽ có lúc các bạn cãi nhau vì nó, kiểu như “tại sao tôi phải cắt giảm khoản này, khoản kia, trong khi anh phung phí vào món đồ điện tử đó…”.
Khởi điểm của mọi cuộc hôn nhân đều khó khăn, nhưng khi đã mua được nhà, được xe, các bạn sẽ thấy vui vì đã tiết kiệm được để xây dựng cuộc sống cho hai người.
3. Thực sự trở thành một phần trong gia đình người kia
Bạn đã gặp cha mẹ người ấy, hai bên cha mẹ gặp nhau, và đám cưới diễn ra êm xuôi, dưới sự đồng ý của hai bên gia đình. Song cho dù bạn đã đến được điểm này thật dễ dàng, mọi việc chưa dừng ở đó. Kinh nghiệm người đi trước cho thấy các cặp đôi sẽ vẫn gây chiến với nhau về những vấn đề trong phạm vi gia đình lớn, ví dụ như các cụ nên ghé thăm tổ ấm riêng của các bạn bao lâu một lần, ranh giới nào nên được đặt ra….
Tốt nhất là nên hạn chế tối đa những cãi cọ liên quan đến vấn đề này bằng cách thỏa thuận trước với nửa kia về những vấn đề liên quan đến gia đình hai bên, ví dụ thống nhất từ trước xem hai người sẽ đến nghỉ lễ cùng bên nội hay bên ngoại, ông bà được can thiệp những chuyện gì trong nuôi dạy các cháu, các bạn sẽ gắn kết với gia đình hai bên theo cách nào…
Một điều quan trọng bạn cần nhớ, nếu đã xác định kết hôn với một người, phải xác định cuộc sống của bạn sẽ xuất hiện gia đình người ấy và cả những đứa con, không thể “bây giờ và mãi mãi” chỉ có hai người bên nhau được.
4. Giai đoạn đầu làm cha mẹ
Đi cùng với hạnh phúc sẽ là khủng hoảng. Vợ chồng bạn có thể sẽ triền miên cãi cọ về chuyện ai nên là người bế con lên dỗ khi nó khóc. Mọi trải nghiệm vừa mới vừa khó dồn dập đến. Bạn bị cướp đi giấc ngủ một cách trắng trợn và lưỡng lự, nghi ngại mọi điều mình làm. Tin tốt là cuối cùng bạn cũng được ngủ thôi, bạn chỉ cần học cách chia sẻ trách nhiệm trong giai đoạn này.
5. Khi con bắt đầu lớn
Đây là giai đoạn bố mẹ bắt đầu nhàn trong việc chăm sóc con, nhưng vấn đề dạy con lại làm nảy sinh những mâu thuẫn mới. Ví dụ bố cho rằng nên nói thật với con mọi chuyện, đó là cách dạy con về lòng trung thực, trong khi mẹ khẳng định cần giữ cho con trong sáng hết mức có thể, không phải điều gì con cũng nên biết, cần biết.
Các chuyên gia cho rằng trước tiên cha mẹ nên giữ một tinh thần thoải mái khi dạy con, hãy tìm kiếm sự thỏa thuận phù hợp nhất với hai phía. Ví dụ, cha mẹ sẽ không nói dối con, nhưng có những vấn đề trẻ không cần biết tường tận cho đến khi nó thực sự lớn hơn.
6. Thiếu sex
Cho dù bạn đang đối mặt với những vấn đề rất khó khăn ngoài hôn nhân hay đơn giản là không tìm thấy thời gian, cảm hứng, hầu hết các cặp đã chung sống lâu đều nhận thấy đời sống tình dục của họ giảm sút.
Khi rơi vào tình trạng “sex hả? Nó là cái gì?” thì khơi gợi lại sự gần gũi vợ chồng không còn là điều đơn giản. Nếu rơi vào đời sống tình dục nhàm chán, bạn sẽ cảm nhận một nỗi buồn, không phải bởi bạn là người thích “chuyện ấy”, mà vì bạn nhớ sự gần gũi, thân thiết vợ chồng khi xưa.
7. Bi kịch bất ngờ
Bạn có thể học cách ứng xử với những cơn stress nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng thật không may, vẫn còn có những vấn đề lớn hơn có thể xảy ra mà không ai lường trước được, như đối mặt với sự thật nửa kia nghiện ngập, ngoại tình, mất việc, mắc bệnh hiểm nghèo v.v. Có thể mẹ bạn vừa mất đột ngột hay người kia được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Không dễ tìm ra giải pháp khi những vấn đề như thế ập đến, và chúng có thể đeo đằng triền miên cuộc sống của bạn, lúc này hay lúc khác, khiến bạn mệt mỏi, đau đớn, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường.
Điều quan trọng lúc này là cần nhắc nhở mình “hai người là một cặp, là một gia đình”. Sóng gió, những giai đoạn khó khăn luôn xảy đến ngay cả với những cặp có hôn nhân thành công nhất. Bạn cần nhìn xa hơn, và nỗ lực gấp đôi để giữ vững tay chèo.