Nơi nương náu bình yên nhất là gia đình Gia đình và tình yêu
Lần đầu tiên, sau ba năm đi học đại học xa nhà, tôi thật sự thấy canh rau đay rất ngon!
Trước kia, tôi vẫn thường chê cái món ăn đạm bạc ấy. Tôi cằn nhằn với mẹ vì cứ phải ăn cái món ăn đó thường xuyên mỗi dịp hè đến. Tôi bị ốm hơn một tháng trời, ăn cái gì cũng không ngon miệng. Đi ăn cơm bụi thịt cá tràn trề nhưng tôi nuốt không trôi, lần nào ăn cũng bỏ thừa. Lần này vừa về đến nhà, thấy nồi canh nóng hổi nghi ngút khói, bụng lại đang đói meo nên tôi múc luôn một bát húp sùm sụp. Kì lạ thay, chỉ là canh rau đay mà sao tôi thấy ngon đến thế. Vẫn là cái món canh rau ngày trước tôi thường chê bai đấy thôi. Thế mà lần này tôi lại uống ngon lành, hết bát này đến bát khác làm mẹ tôi mắng: “Cái con bé này. Sao lại đi húp canh như thế? Lửng dạ thì làm sao ăn cơm được nữa”. Tôi chỉ biết nhìn mẹ cười hì hì: “Tại canh ngon quá mẹ ạ”.
Bố mẹ ở nhà, thường xuyên ăn cơm rau đạm bạc để dành tiền cho con học ở thành phố đắt đỏ. Có con cá to, con gà béo cũng để phần tôi về rồi mới mổ. Tôi nhớ có lần bố kéo lưới được con cá trắm to đến gần 6kg, nhưng bố lại thả ra, đợi tôi về rồi bắt. Thế nhưng khi tôi về thì chẳng may con cá đã chết từ bao giờ, thế là bố mẹ cũng chẳng được ăn. Tôi xót xa lòng: “Ở Hà Nội con có thiếu cái gì đâu, thịt cá ngày nào con chẳng ăn phát ngán, bố mẹ cứ phải để phần con làm gì”. Nhưng mẹ tôi bảo: “Hà Nội khác, nhà mình khác. Ở đó con đi ăn cơm bụi, thịt gà công nghiệp làm sao ngon bằng gà chạy bộ nhà mình”. Bố tôi tủm tỉm cười: “Thế gà nó không chạy bộ thì nó đi xe à?”. Thế là cả nhà được một trận cười. Những phút vui vẻ, ấm áp ấy, tôi không tìm thấy ở một nơi nào khác ngoài gia đình. Bố mẹ ở nhà rất lo lắng cho tôi, lần đầu tiên tôi đi xa nhà sống một mình, mẹ cứ lo tôi không biết cân đối thu chi, đến cuối tháng hết tiền mà bố mẹ không gửi kịp thì lại bị đói. Lần nào tôi về cũng xót con: “Chẳng biết nó ăn uống có đầy đủ không mà trông nó gầy thế”. Ngày xưa ở nhà, ốm đau có bố mẹ chăm sóc. Giờ đây đi học xa, vẫn có bạn bè bên cạnh nhưng mình vẫn phải tự lo nhiều hơn. Nhưng tôi tự chăm sóc mình cũng không tốt bằng mẹ chăm sóc cho tôi. Phải chăng khi ốm đau là lúc người ta cảm thấy yếu đuối nhất, và nhớ nhà nhất. Tôi vẫn thường tự hỏi, không biết năm nay bị cái sao gì chiếu mà ốm nhiều thế, lại còn ốm dai, ốm nặng. Không có người thân bên cạnh, tôi không khỏi tủi thân. Bố nhắn tin hỏi: “Con ốm đã khỏi chưa. Về nhà bố mổ lợn sạch cho mà ăn”. Tôi ngậm ngùi trong câu hát: “Con đã lâu sao chưa thấy về? Nơi miền quê mình dáng mẹ đêm ngày chờ mong”. Tôi muốn về nhà. Gia đình – phải chăng là nơi nương náu bình yên nhất, cho những tâm hồn yếu đuối, cho những cõi lòng đang tan nát. Nhớ năm xưa, khi chia tay mối tình đầu, tôi âm thầm đau khổ. Đứa bạn thân đã khuyên tôi nên về nhà nhiều hơn (tôi đi học xa nhà từ bé). Và những ngày ở bên bố mẹ và em trai, tôi đã nhận ra rằng chỉ có những người thân ruột thịt mới luôn yêu thương mình thật sự một cách vô điều kiện, chỉ có người thân mới đau với nỗi đau của mình. Tôi tự trách mình đã không nghe lời bố mẹ, yêu một người chẳng nên yêu. Chỉ có bố mẹ mới biết điều gì tốt cho con, nhưng phải trải qua một số chuyện tôi mới hiểu ra điều đó.
Lần này tôi về, được ăn cơm nhà mẹ nấu, được sống những ngày thanh thản bình yên. Tôi bị viêm họng cấp, lâu ngày không khỏi, uống hết mấy trăm nghìn tiền thuốc cũng không khỏi. Về nhà ngày nào mẹ cũng đi chòi hoa đu đủ, về hấp với mật ong và quất non cho tôi ăn. Bài thuốc dân gian này vốn rất hiệu quả với tôi. Lọ mật ong tôi mua cho mẹ, lần này tôi lại dùng hết. Chỉ có mấy ngày về nhà mà cái cổ họng sưng vì của tôi đã đỡ hẳn, nhờ bát mật ong hấp quất và hoa đu đủ của mẹ. Tôi bần thần nhớ đến đôi ba câu thơ của Nguyễn Duy:
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta…chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương
Một lần nghe hát chầu văn với bà nội, bà bảo ngày xưa dân mình nghèo, nhà dột nát nên những đêm mưa có khi dột cả vào giường. Thương con nên mẹ nhường con nằm chỗ khô, còn mẹ nằm chỗ ướt. Cũng có thể do đứa trẻ đái dầm ra giường nên ướt chiếu, thế là chỗ ướt lại phần mẹ, chỗ khô dành cho con. Miếng nào ngon mẹ cũng phần cho con hết. Mẹ lo cho con không có đủ cơm ăn, áo mặc, còn riêng mẹ thì:
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí, tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Tôi mới nhận ra rằng, năm nào mẹ cũng cho hai chị em tiền để mua quần áo mới, quần áo mùa đông, quần áo mùa hè. Nhưng mẹ thường mặc những bộ đồ cũ và ít khi mua sắm cho mình. Mẹ ôm hết sóng gió của đời, để dành cho con nhữn gì bình yên nhất, hạnh phúc nhất. Bởi vì, đơn giản mẹ là mẹ, và mẹ luôn yêu con. Tại sao Nguyễn Duy lại có thể viết nên những câu thơ thấm đượm lòng người đến vậy. Tôi vốn rất thích bài thơ này, bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, bởi vì tôi nhìn thấy hình bóng của bà, của mẹ tôi trong đó:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ, mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?
Để rồi, tôi thấm thía rằng:
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Lời mẹ dạy tôi đơn giản lắm, bình dị lắm, nhưng những tầng ý nghĩa sâu xa thâm trầm trong đó, có khi đi hết cuộc đời, tôi cũng chưa hiểu thấu một cách trọn vẹn. Nhưng tôi biết rằng, mỗi bước chân tôi đi, tôi lại hiểu ra rất nhiều điều. Người ta nói, hiểu cuộc sống mới hiểu cha mẹ, cha mẹ luôn biết điều gì tốt cho con và luôn bảo vệ con. Dù mẹ chẳng phải siêu nhân đâu, nhưng khi lâm vào cảnh khó khăn, khốn cùng hay nguy hiểm, có đứa con nào không gọi: “Mẹ ơi”. Vì mẹ là mẹ, và vì con mẹ sẵn sàng làm tất cả, thậm chí hi sinh cả bản thân mình. Tôi biết, vì tôi, bố mẹ phải vất vả, dành dụm, chắt chiu từng đồng, có bệnh cũng không dám chữa, chấp nhận bệnh tật để dành tiền cho tôi ăn học. Tôi tự cảm thấy hạnh phúc khi được sinh ra trong gia đình như thế, có những người bà, người bố, người mẹ như thế. Tôi đã sống trong hoàn cảnh đó, được bố mẹ dạy dỗ như thế đó. Tôi không bao giờ tự ti vì nhà mình nghèo, trái lại, tôi rất tự hào về bố mẹ tôi, những con người vĩ đại, với cơm canh, dưa cà đã nuôi lớn khôn tôi, cho tôi có ngày hôm nay. Bố mẹ tôi rất thương tôi. Bố chưa bao giờ dùng đòn roi với tôi, bố bảo: “Sinh ra con gái thương lắm, vì con gái lớn lên phải đi lấy chồng, không được ở với bố mẹ nhiều. Mà mười hai bến nước, không biết bến nào trong,…”. Tôi thấy mắt bố rơm rớm. Tôi biết là tôi đi học xa bố mẹ cũng nhớ lắm, nhưng cứ an ủi tôi: “Con cứ yên tâm học hành, bố mẹ ở nhà vẫn khỏe, vẫn vui”. Tôi thấy lòng mình se lại. Bố mẹ tôi đều là con cả của những gia đình đông con, từ nhỏ đã rất vất vả. Có lẽ vì thế mà bố mẹ dồn hết tình yêu cho con cái. Bố bảo: “Hi sinh đời bố để củng cố đời con”. Còn mẹ tôi thì tâm sự với bác hàng xóm: “Ngày xưa mẹ mình đẻ mình ra, nhà nghèo lại đông con nên chẳng được quan tâm chu đáo. Không như mình bây giờ, phải lo cho chúng nó từng li từng tí, có khi đến lúc nó lấy chồng, có con rồi mình vẫn còn phải lo”. Tôi thấy ngậm ngùi, bố mẹ tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ cho con cái. Tôi tự hỏi có bao giờ bố mẹ nghĩ cho bản thân mình?
Thương bố mẹ, tôi tự trách lòng. Tôi chưa làm được gì cho bố mẹ cả. Cuộc sống cuốn tôi đi, tôi không thường xuyên về thăm bố mẹ được, bố mẹ ở nhà chắc buồn và nhớ mong tôi nhiều lắm. Ngoài kia là gió bụi, là gai góc, là đau thương. Chỉ có gia đình là chốn nương náu bình yên nhất, là nơi mỗi chúng ta tìm về sau nhũng bước chân mỏi mệt. Và có một điều mà tôi luôn nhớ:
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha