Tâm sự của cô nàng tên Phở Gia đình và tình yêu
Tôi tên là Phở. Hẳn chỉ nhắc đến tên tôi thôi là người ta nghĩ ngay đến sự ngọt ngào, thơm tho, mới lạ và hấp dẫn. Bởi vậy tôi không được phụ nữ ưa thích lắm, đặc biệt là các chị Cơm.
Các chị ấy ghen tỵ với sự sang chảnh của tôi, và một phần có lẽ là vì lo sợ tôi có thể trở thành món ăn ngon của cánh đàn ông, trong đó có những thực khách trung thành của các chị ấy. Nhưng không sao cả, vì tôi hiểu, một khi người ta soi mói mình thì chỉ là vì người ta không bằng mình. Dù sao tôi vẫn thích cánh đàn ông hơn. Họ đơn giản và phóng khoáng.
Tôi rất vui khi có người đàn ông nào đó gọi tên tôi. Khi họ tìm đến với tôi, nghĩa là họ đã chán ngắt chị Cơm của mình ở nhà. Cơm thì có gì hay, khi đói thì ăn cho no, khi cần thì lót cho chắc dạ. Cơm mà không có thức ăn hay gia vị đi kèm thì nuốt không trôi, không màu, không vị.
Đó là còn chưa nói đến việc nếu anh muốn ăn cơm cũng không phải cứ vô tư về là ngồi mà ăn đâu nhé. Rõ ràng tiền ăn anh đóng rồi, nhưng nếu anh về nhà không vào bếp phụ một tay, hay không rửa bát, không nhặt rau thì lại bị chê bai không biết giúp đỡ, không biết chia sẻ công việc gia đình. Anh ăn được bát Cơm thì cũng phải nghe mắng nhiếc hay trách hờn vài câu. Bữa ăn vì thế nhiều khi trở thành một việc phải làm cho xong bữa.
Còn đến với tôi, chỉ cần anh bỏ tiền ra sẽ có món ngon thơm phức dâng đến tận miệng. Anh chỉ việc ăn thôi, không phải vừa ăn vừa lo vợ càm ràm lương tháng này sao ít thế. Ăn thôi, không cần nghĩ ngợi vì sao mà nó lại ngon vậy, cũng không cần lo lắng ăn xong có phải rửa bát không? Chỉ cần anh có tiền thôi, anh không cần phải lo bất cứ vấn đề gì khác.
Các chị Cơm hay dè bỉu chúng tôi, rằng chúng tôi là thứ ngoài hàng ngoài chợ. Rằng Cơm có thể ăn quanh năm suốt tháng còn Phở thì chỉ ăn đôi ngày, không ai ăn được mãi. Giá trị của chúng tôi là ở đó đấy. Là khi các chị không làm chồng vui vẻ thì chồng các chị tìm đến chúng tôi. Là khi các chị không muốn chăm sóc chồng mình thì chúng tôi chăm sóc. Tôi xem chồng người ta là “thượng khách”, vui vẻ khi đến, hài lòng khi đi. Nếu các chị ngon thì chồng đã không phải vụng trộm lén lút tìm đến tận nhà Phở mà đong đưa muốn nếm mùi đổi vị. Chúng tôi chẳng thích ràng buộc, cũng chẳng cần trách nhiệm. Chỉ cần anh có tiền thì Phở tôi là của anh, có đi có lại cả hai đều vui vẻ.
Tôi đã từng nghĩ như thế đấy. Rằng Phở đắt hơn Cơm, phở thơm tho và sang chảnh hơn Cơm. So với Cơm là thức ăn bình dân thì Phở thuộc một đẳng cấp khác. Ấy là khi tôi còn trẻ, khi tôi nghĩ rằng đời là một cuộc sòng phẳng bán mua. Rằng đàn ông thích sự mới lạ và mình thì hấp dẫn. Có vài lần tôi còn thấy các chị Cơm dắt díu nhau đến tận nhà một bạn Phở khác, dùng đủ lời lẽ thóa mạ. Lúc đó tôi nghĩ : Nếu các chị đủ ngon thì chồng đã không đi ăn Phở.
Nhưng rồi càng ngày tôi càng nhận ra mình thực sự rất cô đơn, thực sự không phải là thứ quá quan trọng. Tôi từng rất hào hứng khi thấy một vị thực khách lần nào ghé quán cũng chọn tôi. Tôi có cảm giác mình là nhất và hãnh diện vì điều đó. Lần nào ngồi trước mặt tôi anh ta cũng hít hà, tận hưởng một cách sảng khoái sau đó là thưởng thức ngon lành. Nhưng anh ta chỉ ghé trong chốc lát ấy thôi, khi mỗi sáng mai đến cơ quan vội, khi mỗi chiều mỗi tối muộn mà tạt qua. Anh đến vội vàng và đi cũng vội vàng. Vì anh có nơi để về, vì anh có Cơm ở nhà chờ đợi.
Có lần tôi nghe anh nói với bạn: “Phở đúng là dễ ăn, chẳng quá cầu kì, lách cách như Cơm. Nhưng thỉnh thoảng ăn vài bữa thì ngon chứ mà ăn hoài cũng chán. Nói gì thì nói Cơm vẫn là chuẩn nhất”. Lúc đó tôi tủi thân khủng khiếp. Cảm giác mình chỉ là thứ cho người ta thấy đời đỡ nhàm chán, là thứ khẩu vị để người ta thay đổi vì những thứ quen thuộc hàng ngày. Và lúc đó tôi ghen tỵ với chị Cơm. Anh ta có thể ăn Phở nơi này hoặc nơi khác, nhưng anh ta vẫn quay về đó, với chị ấy và gia đình mình.
Những lúc tôi buồn nhất là những ngày lễ hoặc những ngày mưa lạnh. Quán sá vắng tanh, khách hàng thưa thớt. Tôi chứng kiến người người ngược xuôi, vội vã về nhà. Hoặc người ta rồng rắn chở nhau đi, các chị Cơm tay ôm chồng, tay ôm hoa tình tứ. Còn tôi một mình đứng đó, trơ trọi và cô đơn.
Có lần tôi đã lén trộm nhìn vào một gia đình vào đúng bữa tối, thấy gia đình họ đang sum vầy. Chị Cơm đang vừa cho con ăn, vừa hỏi han công việc của chồng. Chồng chị thì vừa ăn vừa pha trò. Đứa con nhỏ của họ chẳng biết vui gì thỉnh thoảng lại cười khanh khách. Bất chợt tôi nhận ra tôi cũng thèm khát được như họ. Tôi thèm được như chị Cơm kia, giản dị nhưng chu đáo, ân cần. Tôi thèm không khí gia đình bình yên và ấm áp.
Vâng tôi là Phở, thứ người ta xem như một món lạ, món quà. Với người ta, tôi chỉ là thứ thức ăn tạm bợ khi lỡ đường, là bữa ăn thay thế khi người ta không muốn về nhà hoặc vì lý do gì đó không muốn ăn Cơm. Và người ta chỉ tìm đến tôi để giải quyết nhu cầu của mình một cách chóng vánh nhanh gọn.
Hóa ra đàn ông thích ăn Phở không phải vì Phở ngon hơn Cơm mà vì Phở có thể giúp họ qua cơn đói. Tôi có thể khiến một người đàn ông cảm thấy no, nhưng lại không thể ràng buộc họ, không thể đem đến cho họ cảm giác ấm áp của một gia đình.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, cả mình và những chị Cơm kia đều từ hạt gạo mà ra. Sao Cơm thì được người ta thăm nom thường xuyên, còn mình thì ba thì bảy họa người ta mới tìm đến? Và giờ thì tôi đã hiểu, tôi cũng từ hạt gạo mà ra, nhưng tôi đã biến tấu đời mình thành một thức quà mà người ta chỉ xem như một món ăn lạ miệng. Tôi rốt cuộc cũng chỉ là một thứ để người ta thay thế tạm bợ những khi họ đói lòng mà thôi.